Sign In

Hội nghị “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải”

29/09/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Gửi email

Sáng 13/7/2020, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban cán sự Đảng Toà án nhân dân tối cao và Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến “Công tác dân vận trong hoạt động hoà giải” tại điểm cầu Trung ương và 63 điểm cầu cấp tỉnh.

Thành quả của các thiết chế hòa giải đóng góp vào sự thành công của công tác dân vận có được là do sự phối hợp nhịp nhàng giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành Tư pháp, Tòa án nhân dân, các cơ quan, tổ chức với chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cơ sở, cùng với việc quan tâm xây dựng, động viên đội ngũ Hòa giải viên có uy tín, kiến thức, kinh nghiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải có hiệu quả.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao cho rằng thực chất của hòa giải tại Tòa án là công tác dân vận. Bởi lẽ để hòa giải thành công không phải chỉ có hiểu biết pháp luật hay chuyên môn sâu mà điều quan trọng là "phải có tấm lòng nhân ái và thiện tâm". Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khẳng định rõ vai trò của Thẩm phán trong công tác dân vận, yêu cầu Thẩm phán phải xem nhiệm vụ hòa giải như là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng; không chỉ giải quyết nội dung chuyên môn mà còn giải quyết nhiệm vụ dân vận của Đảng với tư cách là Đảng viên, vì vậy các Thẩm phán phải tham gia trách nhiệm và đầy đủ tất cả các thiết chế hòa giải.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao đại diện Ban cán sự Đảng Toà án nhân dân tối cao báo cáo về công tác dân vận trong hoà giải, đối thoại tại Toà án, nhấn mạnh hoạt động của Toà án gắn với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” đã và đang nỗ lực đáp ứng tốt nhất các yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, trong đó hoà giải, đối thoại là một trong những công tác trọng tâm; coi dân vận tốt là chìa khóa mở ra cơ hội hòa giải thành, đối thoại thành các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Những năm qua, tăng cường và nâng cao hiệu quả hoà giải, đối thoại là giải pháp căn cơ của Toà án; các Toà án đặc biệt trú trọng công tác hoà giải trong tố tụng dân sự, tạo mọi điều kiện để các bên tiến hành hoà giải trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Đặc biệt, sự kiện Quốc hội thông qua Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020), quy định mô hình hoà giải, đối thoại mới - hoà giải, đối thoại trước tố tụng, tại Toà án đã đáp ứng nhu cầu của thực tiễn xã hội và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

Cũng tại Hội nghị, thay mặt Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã báo cáo kết quả thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở; đồng chí Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc trong thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở. Các báo cáo nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở; tóm tắt những kết quả, thành tựu và cũng chỉ ra những nhược điểm, đề xuất, kiến nghị nhằm phát huy hiệu quả của công tác này. Theo đó, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành đều khẳng định tầm quan trọng của sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của liên ngành từ Trung ương đến địa phương; đánh giá cao tinh thần đóng góp của các Hòa giải viên và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho Hòa giải viên.

Tham gia phát biểu tham luận tại Hội nghị, đại biểu tại các điểm cầu đã giới thiệu về các mô hình hòa giải tiên tiến, hiệu quả tại các địa phương như mô hình "Tổ hòa giải 5 tốt" tại thành phố Hà Nội; chia sẻ kinh nghiệm dân vận trong hoạt động hòa giải, đối thoại trong quá trình thí điểm tại Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án tỉnh Long an; kinh nghiệm dân vận của Thẩm phán trong việc hòa giải các vụ, việc dân sự, đối thoại các khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân thành phố Vinh, Nghệ An,... Từ đó, đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế hòa giải, góp phần hơn nữa vào phát triển công tác dân vận của Nhà nước.

Đến dự Hội nghị, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao công tác hòa giải ở cơ sở, sự nỗ lực của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, nhất là các Tổ hòa giải ở cơ sở, Hòa giải viên đã góp phần đổi mới công tác dân vận của đất nước. Phó Thủ tướng lưu ý, trong việc hòa giải, cũng như trong công tác dân vận, ngoài việc tham gia để làm cho các mâu thuẫn từ to thành nhỏ, từ nhỏ thành không có gì; nắm sát được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cũng như những bất đồng trong cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó để phản biện, hoàn thiện chính sách pháp luật.Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhất trí với các kết quả đạt được và một số tồn tại, hạn chế về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở được nêu trong các báo cáo, phát biểu, đồng thời điểm lại một số kết quả nổi bật của công tác dân vận nói chung và công tác dân vận trong hoạt động hòa giải đối với đời sống xã hội. Bộ trưởng đề nghị Ban Dân vận Trung ương tiếp tục quan tâm, ủng hộ, cùng ngành Tư pháp, ngành Tòa án đẩy mạnh hoạt động hòa giải ở cơ sở, hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm nâng cao kỹ năng dân vận khéo trong hoạt động hòa giải; đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục quan tâm, phối hợp hơn nữa trong thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Đồng chí khẳng định, với việc Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội thông qua với tỉ lệ cao, hai ngành Tòa án và Tư pháp sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp đã ký giữa hai cơ quan, nhất là việc đưa quy định về công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án đi vào cuộc sống và nhân rộng, triển khai có hiệu quả mô hình hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Ý kiến bạn đọc

Danh sách bình luận

Xem thêm »